BỆNH BẠCH HẦU VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Nửa năm đầu 2020, ngoài dịch bệnh Covid-19 đang làm cả thế giới sợ hãi. Thì ở Việt Nam, dịch bệnh bạch hầu trở thành nỗi lo lắng khi xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đắk Nông…. đã có hàng chục người nhiễm bệnh và đã có trường hợp tử vong.

Và bệnh bạch hầu là bệnh gì, bạn có biết về bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây nên do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, xuất hiện giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da và một số bộ phận khác trên cơ thể. Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan chóng mặt, có thể tạo ra đại dịch.

Bệnh bạch hầu dễ lây lan từ người sang người thế nhưng vẫn còn nhiều người không biết bệnh bạch hầu là bệnh gì vì thế thiếu sự phòng bị. Bệnh bạch hầu có thể lây lan qua đường không khí như ho, hắt hơi hay lây gián tiếp qua những vật tiếp xúc thường ngày…

Vi khuẩn của bệnh bạch hầu có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu, làm thay đổi giọng nói, khó nuốt khi ăn, nổi hạch ở cổ, gây ảnh hưởng suy yếu đến thận, hệ thần kinh, tim mạch. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là 3%.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở những nơi có vệ sinh kém và nơi cư dân đông đúc.

Mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu?

Tùy vào từng vị trí khác nhau mà bệnh bạch hầu cũng chia thành các thể biểu hiện bệnh khác nhau. Thông thường, sau thời gian ủ bệnh tối đa 10 ngày thì bệnh nhân có những biểu hiện như sốt, sưng các tuyến ở cổ…. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu sẽ ảnh hưởng đến một số bộ phận khác như:

  • Vấn đề về thở. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tiết độc tố và độc tố này gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức – thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp.
  • Đau tim. Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua dòng máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
  • Tổn thương thần kinh. Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Mục tiêu điển hình là dây thần kinh ở cổ họng gây khó nuốt, liệt màn khẩu cái, liệt dây thần kinh mãn nhãn…nếu ở cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ. Cso thể bị liệt cơ hoành, cơ thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Nếu độc tố Corynebacterium diphtheriae làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.

Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường có những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc 2 bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là những biểu hiện nổi bật và đặc trưng để phát hiện ra bệnh bạch hầu.

Bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

Hiện nay có rất nhiều loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Vì tương lai của trẻ, bố mẹ hãy cho bé tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh và mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất nhé

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *