SỬ DỤNG DƯỠNG ẨM TRONG BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA

Viêm da cơ địa là bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là trẻ nhỏ, bệnh hay tái phát. Dưỡng ẩm cho da là một bước điều trị đặc biệt quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa cả trong giai đoạn bệnh cấp và mạn. dưỡng ẩm tốt giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rảo bảo vệ da, giúp làm giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid.

1.Nhắc lại về viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là bệnh lý có biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Đa số trường hợp bệnh khởi phát từ tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh lý dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. chẩn đoán bệnh không khó khăn, dựa trên triệu chứng lâm sàng, nồng độ IgE máu thường tăng cao.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa chưa được giải thích rõ ràng, nhưng có một số yếu tố được cho là có vai trò chính trong căn sinh bệnh học, chúng bao gồm yếu tố di truyền, miễn dịch, nhiễm trùng, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương.

Cấu trúc da bình thường bao gồm nhiều lớp tế bào liên kết với nhau bằng các chất gắn kết được ví như lớp xi măng tạo thành một hàng rào bảo bệ da, ngăn chặn sự mất nước và thâm nhập cảu các chất lạ và vi trùng vào cơ thể. Trong bệnh viêm da cơ địa có sự giảm sản xuất filaggrin, loricrin, giảm các chất gắn kết tế bào da nên làm tăng sự mất nước, làm cho da khô. Ngoài ra hàng rào da cũng có thể bị thương tổn do các men protease của các con mạt nhà (house dút mite) và tụ cầu vàng (Staphylocuccus aureus) tiết ra.

Quản lý thành công bệnh viêm da cơ địa liên quan đến tư vấn cho bệnh nhân và gia đình về bệnh, làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa và giảm mức độ, tần số các đợt bùng phát. Điều trị bao gồm giáo dục tránh các yếu tố vượng bệnh, chăm sóc da, và điều trị thuốc.

Dưỡng ẩm cho da là một bước điều trị đặc biệt quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa cả trong giai đoạn bệnh cấp và mạn. dưỡng ẩm tốt giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rảo bảo vệ da, giúp làm giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid.

2.Dưỡng ẩm trong viêm da cơ địa

2.1.Dưỡng ẩm là gì?

Chất dưỡng ẩm là những chất có tác dụng giúp duy trì độ ẩm cho da thông qua khả năng ngăn cản sự mất nước qua da và phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên và lipid sinh lý bình thường của da.

2.2.Cơ chế tác dụng của dưỡng ẩm

Nhóm chất dưỡng ẩm Cơ chế tác dụng Thành phần
Tác dụng kháng viêm Ức chế các chất trung gian gây viêm, tác dụng tương đương với corticoid loại nhẹ Glycerrhetinic acid, palmitoylethanolamine, chất lipid tự nhiên trên da (ceramide)
Tác dụng hút nước Hút nước từ lớp sâu thượng bì đến lớp sừng Glycerin sorbitol, urea. Hyaluronic acid
Tác dụng gây bít Tạo thành màng kỵ nước trên bề mặt da, giữa các tế bào sừng lớp nông để giảm sự mất nước qua thượng bì Lanolin, petrolatum, mineral oil, zinc oxid
Tác dụng làm mềm Cải thiện tình trạng hydrate hóa trên da à mềm, bóng. Tác dụng lấp đầy khoảng cách giữa các tế bào sừng, ngăn không cho các dị nguyên và các tác nhân kích ứng xâm nhập vào da Dầu thầu dầu, bột yến mạch, dầu bơ, propylene glycol, isopropyl palminate

 

 

2.3.Các dạng chất dưỡng ẩm chính

– Mỡ (ointment):

  • Dạng đặc, chứa 80% dầu
  • Ngăn chặn sự mất nước trên da
  • Nhược điểm: gây bết và bít tắc lỗ chân lông nên thường được dùng cho vùng da dầy như lòng bàn tay, bàn chân

– Kem (cream):

  • Hỗn hợp của thuốc trong nước hoặc chất lỏng khác, tỷ lệ thường là 1:1
  • Ít bết dính hơn
  • Nhược điểm: thường có chất ổn định và chất bảo quản để ngăn tách các thành phần nên có thể gây kích ứng da và các phản ứng dị ứng

– Dạng dung dịch (lotion):

  • Hỗn hợp của dầu và nước với nước là thành phần chính
  • Không gây bết dính
  • Nhược điểm: tác dụng dưỡng ẩm không cao, thời gian ngắn do nước nhanh bay hơi nên thường dùng cho những người bệnh có tình trạng khô da nhẹ.

2.4.Vai trò của dưỡng ẩm trong viêm da cơ địa

Giảm viêm, giảm ngứa, giảm khô da:

– Làm mềm kết cấu da, giúp làm giảm ngứa, khô da.

– Tạo lớp bảo vệ giúp giữ nước, ngăn cản quá trình bốc hơi nước qua da.

– Phục hồi hàng rào bảo vệ da, ức chế sự xâm nhập của các yếu tố kích thích

Giảm thời gian và tần suất sử dụng corticoid:

– Corticoid bôi kéo dài có nhiều nguy cơ và tác dụng phụ như rậm lông, teo da, giãn mạch, trứng cá…

– Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng dưỡng ẩm kết hợp với corticoid giúp cải thiện đáng kể triệu chứng lâm sàng và rút ngắn thời gian điều trị cho các bệnh nhân.

– Bằng chứng: các nghiên cứu trên trẻ em (Grimalt, 2007, Szczepanowska, 2008) và người trưởng thành (Eberlein, 2008) đều cho thấy việc sử dụng dưỡng ẩm làm giảm thời gian sử dụng corticoid trên bệnh nhân viêm da cơ địa. Một số nghiên cứu khác sử dụng dưỡng ẩm duy trì trên các bệnh nhân đã đạt hiệu quả lui bệnh sau dùng corticoid (Berth-Jones, 2003) và (Glazenburg, 2007) cho thấy kết quả làm giảm tần suất tái sử dụng corticoid cho các bệnh nhân này.

Duy trì và phòng ngừa tính trạng tái phát:

– Các chất dưỡng ẩm khá an toàn và hầu như không có tác dụng phụ nên có thể dùng lâu dài như một liệu pháp điều trị duy trì.

– Các chất dưỡng ẩm giúp duy trì sự hydrat hóa tối ưu và giải quyết các rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da, giúp làm giảm tình trạng khô và kích ứng quá mức. Các nghiên cứu đều khuyến cáo nên sử dụng dưỡng ẩm tối thiểu 2 lần/ngày dù có hoặc không có biểu hiện bệnh.

Dự phòng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có nguy cơ cao: một nghiên cứu trên đối tượng trẻ sơ sinh 1-7 ngày tuổi có các yếu tố nguy cơ cao bị viêm da cơ địa như bố hoặc mẹ bị bệnh. Thực hiện bôi dưỡng ẩm 2 lần/ngày, theo dõi và đánh giá bệnh nhân ở các tháng 1,6,12,24. Kết quả cho thấy không cso tác dụng phụ nào được ghi nhận, tỷ lệ trẻ bị viêm da cơ địa là 5%, ít hơn đáng kể so với tỷ lệ được mô tả trong y văn (50-70%).

2.5.Sử dụng dưỡng ẩm trong viêm da cơ địa

Lựa chọn loại dưỡng ẩm lý tưởng:

– Duy trì được độ ẩm lý tưởng của da, pH tương tự với da tự nhiên

– An toàn khi sử dụng lâu dài, không chứa hương liệu, không gây kích ứng

– Tiện lợi, hiệu quả, phù hợp về mặt thẩm mỹ và kinh tế

Hướng dẫn sử dụng chất dưỡng ẩm:

– Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng cá nhân, vị trí tổn thương mà mức độ khô da.

– Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày, tăng số lần nếu da khô nhiều.

– Sử dụng ngay sau khi tắm 3-5 phút để duy trì độ ẩm trên da.

– Trong giai đoạn cấp, nên sử dụng kết hợp corticoid bôi để làm giảm nhanh các triệu chứng. Bôi dưỡng ẩm trước khi bôi corticoid giúp tăng khả năng hấp thu thuốc của da.

– Lượng dưỡng ẩm dử dụng cho người lớn là 500-600g/tuần, trẻ em 250-300g/tuần.

– Sử dụng duy trì hàng ngày dù không có triệu chứng.

3. Kết luận

Viêm da cơ địa là một gánh nặng cho trẻ và phụ huynh vì bệnh có tần suất cao, tiến triển dai dẳng, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Chất dưỡn ẩm có vai trò quan trọng, là bước điều trị căn bản trong quản lý viêm da cơ địa. Việc sử dụng chất dưỡng ẩm đúng cách và tư vấn kỹ cho cha mẹ bệnh nhân óp phần quan trọng trong việc điều trị thành công viêm da cơ địa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lodén, M. (2003). The skin barrier and use of moisturizers in atopic dermatitis. Clinics in Dermatology, 21(2), 145–157.
  2. Giam, Y. C., Hebert, A. A., Dizon, M. V., Van Bever, H., Tiongco-Recto, M., Kim, K.-H., … Luk, D. C. K. (2016). A review on the role of moisturizers for atopic dermatitis. Asia Pacific Allergy, 6(2), 120.
  3. Horimukai, K., Morita, K., Narita, M., Kondo, M., Kitazawa, H., Nozaki, M., … Ohya, Y. (2014). Application of moisturizer to neonates prevents development of atopic dermatitis. Journal of Allergy and Clinical Immunology, 134(4), 824–830.e6.
  4. Hon, K. L., Kung, J. S. C., Ng, W. G. G., & Leung, T. F. (2018). Emollient treatment of atopic dermatitis: latest evidence and clinical considerations. Drugs in Context, 7, 1–14.
  5. Thomsen, S.F., Atopic Dermatitis: Natural History, Diagnosis, and Treatment.ISRN Allergy, 2014. 2014: p. 1-7.
  6. . Tollefson, M.M. and A.L. Bruckner, Atopic Dermatitis: Skin-Directed Management.Pediatrics, 2014. 134(6): p. e1735-e1744.
  7. . Kim, M.J., et al., Prevalence of Atopic Dermatitis among Korean Adults Visiting Health Service Center of the Catholic Medical Center in Seoul Metropolitan Area, Korea.Journal of Korean Medical Science, 2010. 25(12): p. 1828.
  8. Leung, D.Y.M., New Insights into Atopic Dermatitis: Role of Skin Barrier and Immune Dysregulation.Allergology International, 2013. 62(2): p. 151-161.

(Bệnh viện da liễu trung ương)

Đánh giá bài viết :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *