NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIÊM DA CƠ ĐỊA

Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis) là bệnh da thường gặp, đặc trưng bởi viêm da mạn tính, hay tái phát và ngứa. Bệnh thường gặp ở trẻ em, 95% ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn.

Nội dung :

1. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Bệnh gây ra bởi 3 yếu tố chính bao gồm môi trường, tổn thương hàng rào bảo vệ da và rối loạn đáp ứng miễn dịch:

  • Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương (giảm nồng độ lipid trên da như ceramide, cholesterol, các acid béo cần thiết; thiếu lipid gian bào; tăng men tiêu protein nội sinh trên da), dẫn đến da khô, mất nước, tế bào da bị biến dạng, hậu quả là các tác nhân bên ngoài như dị nguyên, vi khuẩn dễ xâm nhập gây ra phản ứng viêm.
  • Mất cân bằng đáp ứng miễn dịch điều hòa bởi Th1 và Th2. Ở giai đoạn cấp tính có hiện tượng tăng đáp ứng miễn dịch điều hòa bởi Th2, dẫn đến sản xuất IgE và các cytokine chống viêm như interleukin 4,5,13 chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh ngoại bào. Ở giai đoạn mạn tính có hiện tượng tăng đáp ứng miễn dịch điều hòa bởi Th1, dẫn đến sản xuất các cytokin tiền viêm đặc biệt là interferon gamma để tiêu diệt tác nhân gây bệnh nội bào.

Rối loạn đáp ứng miễn dịch trong viêm da cơ địa

  • Các yếu tố môi trường làm bệnh khởi phát và nặng lên gồm: Dị nguyên như bọ, bụi nhà, lông súc vật, thức ăn (trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ), khí hậu hanh khô (bệnh thường nặng vào mùa đông, nhẹ vào mùa hè), điều kiện vệ sinh, tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt là tụ cầu vàng, tiêm vaccine, sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa…

2. Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm da cơ địa

VIÊM DA CƠ ĐỊA Ở TRẺ <2 TUỔI: Diễn biến cấp tính

  • Độ tuổi: Thường gặp ở 2-3 tháng. Bệnh nặng lên vào mùa đông hoặc khi ra mồ hôi nhiều.
  • Tổn thương cơ bản: Mụn nước tập trung thành đám trên nền dát đỏ, chảy dịch nhiều.
  • Vị trí: Hay gặp ở má, trán, cằm, có tính chất đối xứng

Viêm da cơ địa ở trẻ em dưới 2 tuổi

VIÊM DA CƠ ĐỊA Ở TRẺ LỚN: Diễn biến bán cấp

  • Tuổi hay gặp 2-5 tuổi. Bệnh nặng lên vào mùa đông, thời tiết nóng bức ra nhiều mồ hôi.
  • Tổn thương cơ bản: Dát sẩn trên nền da đỏ, tập trung thành mảng hoặc rải rác, dày da, lichen hóa khi bệnh nhân ngứa, cào gãi nhiều.
  • Vị trí: Mặt duối, nếp gấp 2 bên, đối xứng.

VIÊM DA CƠ ĐỊA Ở NGƯỜI LỚN: Diễn biến mạn tính

  • Tổn thương cơ bản: Da dày, lichen hóa, vết nứt đau, hậu quả của việc bệnh nhân gãi nhiều.
  • Vị trí: Các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
  • Bệnh thường tiến triển từ nhỏ hoặc khởi phát ở người lớn
  • Ngoài biểu hiện điển hình như trên, ở người lớn có nhiều biểu hiện viêm da cơ địa khi trú khác như viêm da cơ địa ở lòng bàn tay bàn chân, chàm núm vú, chàm mi mắt, viêm môi bong vảy, chàm đồng xu…

Viêm da cơ địa ở người lớn

 

  1. Chẩn đoán viêm da cơ địa

Theo tiêu chuẩn của Hanifi và Rajka năm 1980: Có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ.

TIÊU CHUẨN CHÍNH

  • Ngứa
  • Viêm da mạn tính và tái phát
  • Hình thái và vị trí thương tổn điển hình. Trẻ em: Chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi. Trẻ lớn và người lớn: Dày da, lichen vùng nếp gấp
  • Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh cơ địa dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.

TIÊU CHUẨN PHỤ

  • Khô da
  • Viêm môi
  • Đục thủy tinh thể trước
  • Viêm kết mạc, kích thích ở mặt tái phát
  • Mặt đỏ, tái
  • Dị ứng thức ăn
  • Chàm ở bàn tay
  • IgE tăng
  • Phản ứng da tức thì type 1 dương tính
  • Dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát
  • Ngứa khi ra mồ hôi
  • Vảy phấn trắng
  • Chứng vẽ nổi
  • Giác mạc hình chóp
  • Tổn giống dày sừng nang lông
  • Tuổi phát bệnh sớm
  • Chàm núm vú
  • Nếp dưới mắt Dennie – Morgan
  • Quầng thâm quanh mắt

Lichen vùng cổ chân

4. Biến chứng bệnh viêm da cơ địa

Để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ

  • Ngứa có thể ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống bệnh nhân
  • Bội nhiễm vi khuẩn, virus: Viêm da cơ địa chốc hóa, eczema herpeticum, nhiễm eczema Coxsackie

5. Điều trị viêm da cơ địa

ĐIỀU TRỊ CHUNG

Theo hướng dẫn của Châu Âu 2018: Việc điều trị viêm da cơ địa được chỉ định theo mức độ nặng – nhẹ của bệnh nhân:

  • NẶNG: SCORAD > 50 hoặc bệnh dai dẳng: Bệnh nhân được chỉ định nhập viện và sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch
  • VỪA: SCORAD 25-50 hoặc bệnh tái phát: Bệnh nhân được chỉ định điều trị dự phòng bằng thuốc ức chế calcineurin hoặc corticoid bôi loại trung bình hoặc loại mạnh. Sử dụng băng ẩm, thuốc kết hợp điều trị tâm lý và các vấn đề liên quan khí hậu.
  • NHẸ: SCORAD <25 hoặc bệnh thoáng qua: Điều trị đợt cấp bằng corticoid loại trung bình hoặc thuốc ức chế calcineurin, quần áo có bọc bằng bạc.
  • ĐIỀU TRỊ CƠ BẢN: Giáo dục, dưỡng ẩm, dầu pha tắm, loại bỏ yếu tố kích thích nếu được khẳng định bằng test dị ứng (mạt nhà, thức ăn…)

ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ

  • Dưỡng ẩm: dưỡng ẩm cực quan trọng trong điều trị và phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát. Dưỡng ẩm giúp bảo vệ các tế bào thượng bì và phục hồi màng đáy. Dưỡng ẩm có nhiều loại khác nhau, tùy vào giai đoạn của viêm da cơ địa, thời tiết mà sử dụng dưỡng ẩm có tính chất khác nhau.
  • Corticoid bôi
  • Thuốc ức chế calcineurin
  • Loại bỏ các yếu tố kích thích: Thuốc lá, mạt bụi nhà, lông động vật, thức ăn, quần áo,
  • Tắm, sữa tắm

ĐIỀU TRỊ TOÀN THÂN

Điều trị toàn thân viêm da cơ địa được chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa kháng trị hoặc tổn thương nặng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm da cơ địa. Để được tư vấn tốt hơn về tình trạng bệnh cũng như phương pháp điều trị hiệu quả, bạn nên đi khám Bác sĩ tại Bệnh viện hoặc Phòng khám Chuyên khoa Da liễu.

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *