TỔNG QUAN VỀ VIÊM DA TIẾP XÚC DỊ ỨNG

Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng quá mẫn muộn, qua trung gian tế bào (type IV) đặc trưng là phản ứng viêm da dạng chàm tại vị trí tiếp xúc với dị nguyên từ môi trường. Thời gian để gây được mẫn cảm không cố định, với những dị nguyên gây mẫn cảm mạnh như nhựa cây thường xuân thì thời gian mẫn cảm có thể xảy ra sau 1 tuần hoặc lâu hơn, trong khi tiếp xúc với một dị nguyên yếu có thể mất hàng tháng tới hàng năm để gây được mẫn cảm.

Các chất gây dị ứng thường gặp như: Kim loại nickel, mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, thuốc trừ sâu, thuốc diệt muỗi, phấn hoa… Dị nguyên có thể trong trang sức, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc bôi, thực vật, thuốc chữa bệnh tại nhà, hóa chất tại nơi làm việc…

Hình ảnh viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm

Viêm da tiếp xúc dị ứng là bệnh rất thường gặp, cả trong sinh hoạt hằng ngày và trong lao động. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra thiệt hại về nguồn lực trong lao động.

Độ tuổi không ảnh hưởng đến khả năng mẫn cảm với dị nguyên đặc hiệu, tuy nhiên viêm da tiếp xúc dị ứng ít gặp ở trẻ nhỏ và ở những người già hơn 70 tuổi.

Nội dung :

1. Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng

Tổn thương xuất hiện ở người đã mẫn cảm sau 48 giờ hoặc nhiều ngày sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

Các triệu chứng bao gồm ngứa, trường hợp nặng bệnh nhân có thể thấy đau, châm chích. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt chỉ gặp ở viêm da tiếp xúc dị ứng nặng. Tổn thương ban đầu gặp ở khu vực tiếp xúc với dị nguyên như vùng da hở: Mặt, tam giác cổ áo, mặt duỗi của chi, thường có dạng dải, hình “nhân tạo” không tự nhiên.

Ví dụ viêm da tiếp xúc do thực vật gây ra tổn thương thành dải, về sau tổn thương có thể lan rộng và xuất hiện ở những vị trí khác.

Tổn thương da phụ thuộc vào thời gian bị bệnh, vị trí tổn thương, mức độ nặng của tổn thương. Có 3 thể viêm da tiếp xúc dị ứng phân loại theo diễn biến.

– CẤP TÍNH: Tổn thương đỏ da, phù nề ranh giới rõ, trên có các mụn nước, sẩn đỏ, trong trường hợp phản ứng nặng có xuất hiện bọng nước, vết trợt, xuất tiết, đóng vải. Tổn thương có thể lan rộng, xuất hiện ở vùng da không tiếp xúc với dị nguyên…

– BÁN CẤP: Các mảng đỏ da nhẹ, vảy khô, nhỏ, có thể có các sẩn chắc màu đỏ nhỏ, tròn.

– MẠN TÍNH: Tổn thương là các mảng đỏ da, lichen hóa, bong vảy kèm các sẩn chắc, đỉnh phẳng, nhỏ, các vết trợt, cào gãi, tăng sắc tố.

Hình ảnh viêm da tiếp xúc do dị ứng niken ( trang sức)

2. Chẩn đoán phân biệt viêm da tiếp xúc dị ứng với các bệnh khác

Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể nhầm lẫn với các bệnh như:

– Viêm da cơ địa

– Chàm đồng xu

– Viêm da dầu

– Vảy nến

– Chàm bàn tay

– Nhiễm nấm da

– Hồng ban cố định nhiễm sắc

– Viêm da do ánh sáng thực vật dạng viêm quầng…

 

3. Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng

 

Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Tìm được dị nguyên gây bệnh có vai trò quan trọng trong điều trị cũng như dự phòng tái phát. Điều trị đầu tiên và quan trọng nhất là ngừng việc tiếp xúc với dị nguyên.

ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ

– Thuốc bôi corticoid: Là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng khu trú. Bệnh nhân cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

– Tổn thương mụn nước lớn có thể cần chọc thoát dịch, tuy nhiên cần giữ nguyên phần da phía trên bọng nước. Đắp gạc tẩm dung dịch Burow hoặc Jarish mỗi 2-3 giờ khi tổn thương cấp tính.

ĐIỀU TRỊ TOÀN THÂN

– Corticoid toàn thân là lựa chọn ưu tiên trong trường hợp tổn thương có diện tích >20% diện tích cơ thể hoặc bệnh cấp tính vùng mặt, bàn tay, chân, sinh dục và bệnh nhân mong muốn điều trị lui bệnh nhanh.

– Điều trị bằng ánh sáng có thể được lựa chọn cho trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng mạn tính không đáp ứng với điều trị corticoid tại chỗ, toàn thân.

– Ngoài ra, trong các trường hợp bệnh mạn tính có thể dùng các thuốc ức chế miễn dịch khác.

*Lưu ý: Để đảm bảo điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bệnh nhân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *