CHỚ CHỦ QUAN VỚI BỆNH SỐT TINH HỒNG NHIỆT

Sốt tinh hồng nhiệt là phát ban phổ biến nhất liên quan đến viêm họng do liên cầu “strep throat” ở lứa tuổi học đường và thanh thiếu niên. Khoảng 10% các trường hợp viêm họng do liên cầu có sốt tinh hồng nhiệt. Đó là một hội chứng đặc trưng bởi viêm họng xuất tiết, sốt và phát ban dạng sẩn màu đỏ tươi.

Nội dung :

1. Nguyên nhân gây bệnh sốt tinh hồng nhiệt (sốt phát ban)

Vi khuẩn gây bệnh là Streptococcus pyogenes nhóm A (Liên cầu tan huyết nhóm A), một vi khuẩn gram dương tạo ra nội độc tố chịu trách nhiệm chủ yếu cho nhiễm trùng da. Liên cầu được tìm thấy trong dịch tiết tai, mũi, họng và da. Đường vào của vi khuẩn có thể từ các vết thương, vết bỏng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Vi khuẩn lây truyền qua đường hô hấp, qua dịch tiết từ các tổn thương da do liên cầu nhóm A hoặc qua đường tiêu hóa khi dùng chung cốc uống nước, bát đĩa với người bị bệnh. Hiếm khi vi khuẩn có thể lây truyền thông qua thực phẩm không được xử lý đúng cách.

Bệnh được chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng, khi được chẩn đoán sớm, tiên lượng bệnh thường tốt, hầu hết bệnh nhân phục hồi sau 4-5 ngày với triệu chứng da có thể kéo dài vài tuần, bệnh có thể tái diễn.

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt tinh hồng nhiệt

– Thời gian ủ bệnh từ 1-4 ngày.

– Bệnh thường xuất hiện đột ngột bằng một cơn sốt kèm theo đau họng, đau đầu, đau cơ, buồn nôn, ớn lành (trẻ nhỏ có thể nôn, đau bụng, co giật). Sốt giảm nhanh trong 12-24 giờ sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh, nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ sốt cao nhất vào ngày thứ 2 (khoảng 39,5 – 40 độ C) và kéo dài 5-7 ngày.

– Tổn thương da xuất hiện 12-48 giờ sau khi bắt đầu sốt. Đầu tiên là các mảng đỏ ở dưới tai, cổ, ngực, nách. Phát ban đặc trưng là các sẩn đỏ sung huyết nhỏ như đinh ghim làm da trở nên thô ráp như giấy nhám ở ngực rồi lan ra tay, chân, thân trong vòng 34 giờ. Vị trí nổi bật ở vùng nếp gấp và vùng chịu áp lực như mông. Các mao mạch trở nên mỏng hơn và có thể bị vỡ, có thể thấy các vệt xuất huyết ở nách, khuỷu, bẹn, các vệt này có thể tồn tại 102 ngày sau khi phát ban biến mất. Trong trường hợp nặng, có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ ở bụng, tay, chân. Tổn thương da kéo dài 4-5 ngày. Sau 7-10 ngày phát ban biến mất, bong da xuất hiện, đầu tiên ở ở mặt, bong da lòng bàn tay và ngón tay. Mức độ và thời gian của bong da phụ thuộc vào mức độ của phát ban. Vài tuần đến vài tháng sau, các đường ngang ở móng và rụng tóc có thể xuất hiện.

– Niêm mạc thường có màu đỏ tươi, vòm miệng mềm thường xuất hiện các đốm xuất huyết rải rác hoặc các sẩn nhỏ màu đỏ. Vào ngày thứ 1 và thứ 2 của bệnh, lưỡi thường phủ một lớp màng trắng, qua đó các nhú đỏ nhô lên, đến ngày thứ 4 hoặc thứ 5, màng trắng bong ra để lộ bề mặt lưỡi đỏ tươi với các nhú nổi bật. Amidan đỏ, phù nề, tiết dịch.

3. Biến chứng của bệnh sốt tinh hồng nhiệt

– Viêm tai giữa.

– Viêm phế quản phổi

– Viêm xoang

– Viêm màng não

– Áp xe não

– Huyết khối xoang tĩnh mạch nội sọ

– Nhiễm khuẩn huyết với viêm màng não

– Viêm tủy xương và viêm khớp nhiễm trùng

– Suy thận cấp do viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu

– Viêm gan

– Viêm ống dẫn tinh

– Viêm màng bồ đào

– Viêm cơ tim

– Sốc nhiễm độc…

Việc điều trị sốt tinh hồng nhiệt chú trọng ngăn ngừa sốt thấp khớp cấp tính, giảm sự lây truyền bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh. Cụ thể phác đồ điều trị sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi đã thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng của người bệnh.

Cần biết rằng, sốt tinh hồng nhiệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế, các phòng khám để được bác sĩ thăm khám.

Tham khảo thêm: BỆNH PHONG VÀ NHỮNG TRIỆU CHỨNG KHÔNG THỂ BỎ QUA

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *