ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT VỀ MỤN TRỨNG CÁ

1. Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một bệnh viêm mạn tính của đơn vị nang lông – tuyến bã với biểu hiện lâm sàng là các mụn nhân mở hoặc nhân đóng và các tổn thương viêm bao gồm sẩn, mụn mủ, cục, nang.

Bệnh thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên và có thể tiến triển kéo dài trong nhiều năm, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tăng sắc tố sau mụn và sẹo mụn.

Mụn trứng cá là một bệnh viêm mạn tính của đơn vị nang lông

 

 

2. Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố liên quan tới cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. Tuy nhiên, có bốn nguyên nhân chính gây mụn trứng cá đã được xác định gồm:

  • Dày sừng cổ nang lông
  • Tăng bài tiết chất bã
  • Vi khuẩn P.acnes
  • Giải phóng các chất trung gian viêm.

DÀY SỪNG CỔ NANG LÔNG:

Tăng sinh các tế bào sừng ở cổ nang lông tạo thành các khối sừng làm hẹp đường thoát chất bã lên da dẫn tới hình thành nhân trứng cá. Nguyên nhân do tác động của một số yếu tố sau đây:

  • Dihydrotestosteron (DHT) kích thích các tế bào sừng ở cổ nang lông tăng sinh
  • Interleukine-1α làm tăng các tế bào sừng ở cổ nang lông.
  • Acid linoleic giảm cũng làm tăng sinh tế bào sừng cổ nang lông, đồng thời tăng sản xuất các chất tiền viêm.

TĂNG BÀI TIẾT CHẤT BÃ:

  • DHT là thành phần hormon sinh dục nam giữ vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá. DHT kích thích tuyến bã làm tuyến bã giãn rộng, đồng thời cũng kích thích các tế bào tuyến bã tăng cường sản xuất các chất bã nhiều hơn so với bình thường.
  • Một số yếu tố khác liên quan: Di truyền, cơ địa, stress, môi trường.

VAI TRÒ CỦA VI KHUẨN P.ACNES:

P.acnes đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của trứng cá. Các vi khuẩn này có khả năng phân hủy các chất béo có trong chất bã, giải phóng acid béo tự do gây viêm, từ đó giải phóng các cytokine tiền viêm. Đồng thời các acid béo này cũng kích thích vi khuẩn P.acnes phát triển nhanh.

PHẢN ỨNG VIÊM VÀ VAI TRÒ CỦA VIÊM:

Hiện tượng tăng tiết chất bã quá mức dưới tác động của dihydrotestosteron và tăng sừng hóa cổ nang lông làm chất bã ứ trệ tạo điều kiện P.acnes phát triển, tăng cường hoạt động gây phản ứng viêm, giải phóng chất tiền viêm, tạo thành các sẩn, mụn viêm, abces mụn, cục xơ nang.

CÁC YẾU TỐ KHÁC:

Lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi, đặc biệt là các sản phẩm có chứa corticoid, lạm dụng các thuốc dùng đường toàn thân, đặc biệt là corticoid, ăn quá nhiều đường, sữa…, stress, môi trường, khí hậu…

3. Triệu chứng lâm sàng của mụn trứng cá

Trứng cá thông thường là thể hay gặp nhất, thương tổn là các mụn nhân mở hoặc đóng, sẩn, mụn mủ, cục nang ở vị trí nang lông. Thường khu trú ở vùng da tiết nhiều dầu như mặt, lưng, ngực. Tổn thương được chia thành hai nhóm chính là tổn thương không viêm và tổn thương viêm.

TỔN THƯƠNG KHÔNG VIÊM: BAO GỒM CÁC MỤN NHÂN.

  • Mụn nhân mở hay mụn đầu đen: Nhân có màu đen do hiện tượng oxy hóa các chất sừng keratin. Những nốt đen nổi cao hơn mặt da và có thể thoát ra ngoài.
  • Mụn nhân đóng hay mụn đầu trắng: Gồm các nhân có màu trắng hơi nhô cao hơn mặt da, đôi khi khó phát hiện. Thương tổn có thể biến mất hoặc biến thành mụn đầu đen.

Hình ảnh mụn đầu đen tại vùng má

Hình ảnh mụn đầu trắng

TỔN THƯƠNG VIÊM: BAO GỒM TỔN THƯƠNG CÓ BIỂU HIỆN NÓNG, ĐỎ, ĐAU.

  • Mụn mủ: Đường kính tổn thương dưới 5mm, chứa đầu mủ màu trắng hoặc vàng ở trung tâm nền đỏ.
  • Sẩn: Sẩn đỏ ở vị trí nang lông, không có mủ, đường kính >5mm.
  • Cục: Sẩn đỏ không chứa mủ, đường kính >5mm, ấn chắc, đau do tổn thương viêm sâu hơn xuống trung bì.
  • Nang: Tổn thương tạo thành do phản ứng viêm gây hoại tử, lòng tổn thương chứa dịch mủ, sền sệt lẫn máu, đường kính tổn thương >5mm, các tổn thương có thể tập hợp lại tạo thành ổ mủ lớn, thông với nhau.

CÁC TỔN THƯƠNG KHÁC

Các tổn thương khác như ban đỏ sau viêm, tổn thương tăng sắc tố sau viêm.

Hiện tượng tăng sắc tố sau mụn trứng cá

Ban đỏ sau viêm

TỔN THƯƠNG SẸO: BAO GỒM SẸO LÕM, SẸO QUÁ PHÁT, SẸO LỒI

  • Sẹo lõm trứng cá: Thường gặp nhất trong trứng cá thông thường, ảnh hưởng tới 30% những người bị trứng cá trung bình – nặng, đặc biệt phổ biến ở trường hợp trứng cá bọc. Sẹo lõm trứng cá chia làm ba loại gồm:
    • Sẹo hình phễu: Hay gặp nhất, có hình phễu, đường kính <3mm, bờ rõ, có thể sâu tới lớp hạ bì.
    • Sẹo lòng chảo: Đường kính 4-5mm, do sợi xơ trung bình dính với thượng bì gây co kéo tạo thành đáy lòng chảo.
    • Sẹo đáy phẳng: Hình tròn hay oval, bờ thẳng đứng, đường kính 1,5-4mm.
  • Sẹo quá phát, sẹo lồi: Do sự tăng sinh xơ bất thường trong quá tình lành tổn thương trứng cá với biển hiện các mảng đỏ, ngứa, đau thường gặp ở vị trí ngực, lưng, bả vai, góc hàm.

4. Chẩn đoán xác định mụn trứng cá

Chẩn đoán xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng.

Chẩn đoán mức độ nặng: Có nhiều phân loại khác nhau về mức độ nặng trong mụn trứng cá, tùy theo quan điểm của tổ chức và các tác giả:

  • Phân loại theo Karen McCoy, trứng cá thông thường chia làm ba mức độ: Nhẹ, vừa và nặng:
    • Thể nhẹ: Có ít hơn 20 nhân trứng cá không viêm hoặc có ít hơn 15 sẩn viêm, hoặc tổng cộng có ít hơn 30 thương tổn.
    • Thể vừa: Có từ 20-100 nhân trứng cá không viêm hoặc có 15-50 sẩn viêm hoặc tổng cộng có 30-125 thương tổn.
    • Thể nặng: Có 5 nốt/cục/nang hoặc có trên 100 nhân trứng cá, hoặc có trên 50 sẩn viêm hoặc có trên 125 thương tổn.
  • Phân loại theo IGA (Investigator Global Assessment) 2005, chia làm bốn mức độ:
    • Mụn nhân: Hiếm tổn thương không viêm hoặc không nhiều hơn 1 tổn thương sẩn/mụn mủ.
    • Trứng cá sẩn mủ nhẹ – trung bình: Một số tổn thương không viêm nhưng chỉ có ít tổn thương sẩn/mụn mủ.
    • Trứng cá sẩn mủ nặng/trứng cá bọc trung bình: Nhiều tổn thương không viêm, một số tổn thương sẩn/mụn mủ nhưng không quá 1 tổn thương cục/nang.
    • Trứng cá bọc nặng/trứng cá bùng phát: nhiều tổn thương không viêm và sẩn/mụn mủ, một vài hoặc nhiều tổn thương cục/nang.

Mụn trứng cá bọc nặng

5. Nguyên tắc điều trị mụn trứng cá

  • Lựa chọn thuốc tác động vào 1 hoặc nhiều hơn trong 4 yếu tố tùy theo tổn thương: Sừng hóa cổ nang lông, sản xuất bã nhờn, vi khuẩn P.acnes, yếu tố viêm.
  • Điều trị sớm tránh biến chứng.
  • Điều trị tấn công không dưới 2-3 tháng.
  • Điều trị duy trì là bắt buộc.

Cần biết rằng, việc điều trị mụn trứng cá phụ thuộc vào mức độ thương tổn. Các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Do đó, nếu bạn đang bị mụn trứng cá, hãy kết nối ngay với Bác sĩ CK1 tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu GSV để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

👉 Điều trị mụn trứng cá bằng công nghệ cao tại GSV

👉Top 5 loại thuốc trị mụn trứng cá “Siêu Hót” tại Phương Trí

Đánh giá bài viết :

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *