NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH MỤN NHỌT

Mụn nhọt (Furuncles hoặc boils) là một dạng nhiễm trùng da có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây cảm giác đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Mụn nhọt nếu không được điều trị đúng cách có thể phát triển thành cụm nhọt (carbuncle – hậu bối) gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng lan rộng, nhiễm trùng máu.

Nội dung :

1. Mụn nhọt là gì?

Nhọt là viêm nhiễm vi khuẩn ở nang lông và quanh nang lông. Các cụm nhọt tập trung với nhau dưới da được gọi là hậu bối, thường hóa mủ sâu hơn và để lại sẹo.

Vị trí thường gặp:

  • Mặt
  • Cổ
  • Đùi
  • Mông

2. Triệu chứng lâm sàng của mụn nhọt

Giai đoạn khởi phát: Vùng da nhiễm trùng bị đỏ, xuất hiện nhọt nhỏ kích thước bằng hạt đậu

Sau 4-7 ngày: Nhọt cứng và lớn dần, có dịch mủ dưới da, gây đau hơn. Vùng da quanh nhọt chuyển sang màu đỏ và sưng. Đỉnh nhọt có đầu nhân mủ màu vàng, trắng. Sau một thời gian, đầu nhân mủ này vỡ và dịch thoát ra ngoài. Một số người bệnh còn bị sốt và mệt mỏi toàn thân khi bị hậu bối (nhọt cụm).

Hình ảnh nhọt

Hình ảnh hậu bối sau gáy. Nó được hình thành bởi một cụm các nhọt liên kết với nhau, đó là những nang lông viêm, đầy mủ và đau.

3. Tác nhân gây mụn nhọt

Nhọt gây ra bởi vi khuẩn, trong đó tác nhân gây bệnh thường gặp là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) – một loại vi khuẩn cư trú trên da, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh.

Tụ cầu vàng sẽ gây ra nhiễm khuẩn qua da bị tổn thương như vết cắt hoặc cào gãi. Khi vi khuẩn xâm nhập qua vết thương, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ chiến đấu với chúng. Nhọt là kết quả của tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn.

Nhọt sẽ tiến triển nặng nếu hệ miễn dịch bị suy giảm, tiểu đường, viêm da cơ địa hoặc các bệnh mạn tính trên da gây khô da và ngứa làm tăng nguy cơ gây nhiễm khuẩn.

Cả nhọt và cụm nhọt có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi khỏe mạnh nhưng thường gặp hơn ở những người béo phì, suy giảm miễn dịch, người già, tiểu đường. Nguy cơ cũng tăng lên khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm tụ cầu.

4. Điều trị và chăm sóc.

Chăm sóc tại nhà với những tổn thương mụn nhọt nhỏ, không có dấu hiệu toàn thân:

  • Chườm ấm hàng ngày, mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần kéo dài 10 phút
  • Rửa sạch nhọt bằng chất sát khuẩn hoặc xà bông khi nhọt bị vỡ
  • Băng gạc tổn thương bằng gạc y tế
  • Uống thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen
  • Rửa tay hàng ngày, giặt và vệ sinh quần áo chăn màn với nước nóng

Điều trị tại phòng khám chuyên khoa và bệnh viện: Với những tổn thương lớn, ở vùng mặt, đau nhức nhiều, sốt và mệt mỏi, tổn thương là cụm nhọt.

  • Chích rạch và thoát mủ
  • Giảm đau, chống viêm
  • Kháng sinh: Cho kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, tuỳ từng tình trạng mà Bác sĩ chỉ định kháng sinh khác nhau. Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, có sốt, hoặc có nguy cơ viêm nội tâm mạc hoặc nếu tổn thương không khỏi khi thoát mủ hoặc tổn thương > 5mm, nhiều hoặc lan rộng cần dùng thuốc kháng sinh điều trị MRSA.

5. Dự phòng mụn nhọt

  • Rửa tay thường xuyên
  • Theo hướng dẫn của Bác sĩ, chăm sóc vết thương và băng bịt vết thương
  • Không sử dụng chung đồ quần áo, chăn, dao cạo
  • Giặt sạch ga giường bằng nước nóng
  • Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm tụ cầu.

Nhọt là bệnh thường gặp ở những người vệ sinh kém, có nguy cơ viêm nhiễm cao như bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, viêm da cơ địa da khô và cào gãi nhiều. Khi chăm sóc kém nhọt có thể tiến triển thành cụm nhọt, đau nhức, sốt cao và gây nhiễm trùng toàn thân như viêm nội tâm mạc, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.

Do đó, nếu bạn phát hiện bản thân hoặc người thân trong gia đình bị nhọt cần đến ngay cơ sở y tế hoặc kết nối ngay với Bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Điều trị nhọt như thế nào cho hiệu quả?

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *