BỆNH TRỨNG CÁ VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Bệnh có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho đến 30 – 40 tuổi. Một số trường hợp trứng cá giảm dần, nhưng còn rất nhiều bệnh nhân tiến triển dai dẳng, từng đợt phát triển. Bệnh trứng cá nếu không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể để lại sẹo vĩnh viễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

1. Cấu tạo nang lông, tuyến bã

– Nang lông

+ Nang lông dài: Có ở da đầu, râu, lông nách, lông mu. ở những nơi này lông mọc toàn bộ, tuyến bã bao quanh nang lông không phát triển, chất bã được bài xuất qua những ống ngắn đến nang lông, cổ nang lông rồi ra ngoài.

+ Nang lông tơ: Nằm rải rác trên toàn bộ da cơ thể (trừ lòng bàn tay, bàn chân nang lông tơ không có tuyến bã), nang lông tơ có kích thước nhỏ, nhưng tế bào tuyến bã có thể tích lớn dẫn đến kích thước tuyến bã ở nang lông tơ lớn hơn ở nang lông dài. ở vùng mặt, tuyến bã phát triển gấp 5 lần so với nơi khác và đây là lý do tại sao trứng cá hay có ở mặt.

Tuyến bã:

+ Tuyến bã gắn vào nang lông ở những nơi có nang lông (trừ lòng bàn tay, bàn chân). Tuyến bã tiết ra chất bã đổ vào nang lông nhờ một ống dẫn, tuyến bã ở niêm mạc đổ thẳng lên bề mặt niêm mạc như tuyến Tyson và hạt Fox- Fordyce.

+ Tuyến bã là chùm nang chia nhánh, nang tuyến bã có đường kính từ 0,2 -2mm. Tế bào tuyến có 2 loại: tế bào chế tiết nằm phía trong (kích thước lớn, bào tương có nhiều hạt mỡ) và tế bào tuyến ít biệt hoá nằm sát màng đáy (có khả năng phân chia, chứa nhiều ARN và các loại men esterase, phosphatase).

+ Tuyến bã là tuyến toàn huỷ, chất bã và tế bào tuyến được đào thải toàn bộ, tế bào chế tiết của tuyến bã trong bào tương chứa nhiều hạt mỡ, các hạt mỡ dần phát triển chiếm thể tích tế bào, tế bào mất bào quan, mất nhân trở thành hạt mỡ.

+ Hoạt động của tuyến bã chịu tác động lớn của hormon (nhất là hormon sinh dục nam), ngoài ra còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như di truyền, kích thích.

+ Chất bã được sản xuất chủ yếu từ tuyến bã và một phần từ thượng bì. Chất bã là một hợp chất vô khuẩn, được tiết ra lên trên bề mặt da, làm dẻo hoá lớp sừng có tác dụng giữ độ ẩm và bảo vệ da chống lại vi khuẩn, virus và nấm.

2. Nguyên nhân của bệnh trứng cá

Nguyên nhân của bệnh trứng cá cũng khá phức tạp, có liên quan tới nhiều yếu tố như nội tiết, tiêu hoá đặc biệt là tuyến sinh dục…Vai trò của các tạp khuẩn trên da, trong đó tụ cầu, liên cầu và nhất là Corinebacterium cũng được đề cập đến. Các vi khuẩn này thường ở trong nang lông, có khả năng thuỷ phân chất bã thành acid béo, gây kích thích và gây viêm tổ chức nang lông.

Ngoài ra, trứng cá có thể do dị ứng một số thức ăn, thuốc (Bromua, corticosteroid, thuốc bôi goudron…) hoặc do tiếp xúc với một số hoá chất (Dầu, mỡ, nhựa đường…) hoặc do thiếu vitamin B2.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng đại đa số các tác giả đều nêu ra 3 cơ chế chính gây nên trứng cá:

– Sự tăng tiết bã nhờn

Sự hoạt động của tuyến bã có sự biến đổi liên quan với các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam và trong đó Testosteron là hormon có hiệu lực chủ yếu ở da đối với tế bào tuyến bã. Testosteron có tác dụng kích thích sự phát triển và bài tiết chất bã, đồng thời làm giãn rộng và làm tăng thể tích tuyến bã, nhất là các tuyến bã ở mặt. Vì vậy, người ta coi trứng cá là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của tuổi thành niên khi cơ thể nam có sự tăng tiết Testosteron.

– Sừng hoá cổ nang lông tuyến bã

Sự sản xuất quá mức các chất bã kết hợp với dầy sừng ở phễu nang lông gây nên hiện tượng ứ đọng chất bã. Nguyên nhân của sự dầy sừng này là do tác dụng kích thích của chất bã lên thành nang lông và sự thay đổi trong bản mẫu của quá trình sừng hoá trong lòng nang lông. Ngoài ra, một số yếu tố ngoại cảnh như nóng ẩm, khói bụi … hay các chất như sinh diêm, mỹ phẩm có nhiều chất béo tạo ra sự ứ đọng chất bã, làm bít tắc lỗ chân lông.

– Vai trò của vi khuẩn trong nang lông

Trong nang lông có trực khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) còn gọi là Corynebacterium acnes có tính chất đa dạng và kỵ khí. Ngoài các vi khuẩn trên người ta còn thấy một số nấm men Pityrosporum ovale ở một số nang tuyến bã.

Trực khuẩn P. acnes có khả năng phân huỷ lipid, giải phóng acid béo tự do gây viêm mạnh.

Chất bã bị ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển ở phần dưới cổ nang lông tuyến bã: P.acnes, P. Grannulosum, S. Blans, và nấm P. ovale. Những vi khuẩn này tiết ra men: hyaluronidase, protease, lipase lecitinase có khả năng gây viêm và các yếu tố hoá ứng động bạch cầu. Các yếu tố hoá ứng động bạch cầu sẽ giải phóng hydrolase thấm vào thành và làm yếu thành nang lông gây viêm và vỡ cùng nhân trứng cá vào lớp trung bì, phản ứng viêm hình thành trứng cá sẩn, mụn mủ, cục và nang.

3. Đặc điểm lâm sàng

3.1. Thương tổn cơ bản

Biểu hiện lâm sàng của bệnh trứng cá phụ thuộc vào sự tác động lẫn nhau của một vài yếu tố: Sự tăng tiết chất bã cùng với sự ứ đọng chất bã do bít tắc ở cổ nang lông dẫn tới hình thành nhân nhỏ, bắt đầu quá trình hình thành mụn trứng cá. Từ nhân nhỏ có thể tiến triển thành hai loại nhân thực sự:

  • Nhân mở (nhân đầu đen): Là những kén bã vít chặt vào nang lông bị giãn rộng, hơi gồ cao khỏi mặt da. Thành phần của nó là chất sừng kết hợp với chất Lipit, xung quanh là lá sừng. Nhân có miệng giãn rộng, các chất có thể thoát ra được. Bề mặt có đầu đen do hiện tượng oxy hóa chất keratin. Loại tổn thương này thường dễ giải quyết, không gây ra những tổn thương trầm trọng hơn.
  • Nhân kín (nhân đầu trắng): Tổn thương thường nhỏ hơn, màu trắng hoặc hồng nhạt, hơi gờ cao và không có lỗ mở trên mặt da. Tổn thương này có thể tự biến mất hoặc chuyển thành nhân đầu đen, nhưng loại trứng cá này thường gây ra viêm tấy ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuỳ thuộc vào tình trạng viêm nhiễm, trên lâm sàng biểu hiện nhiều hình thái tổn thương khác nhau. Đặc điểm chung của các loại tổn thương này là viêm nhiễm ở trung bì với các biểu hiện là sẩn viêm, mụn mủ, cục, nang ….

+ Khi phản ứng sát trên bề mặt da sẽ tạo nên tổn thương sẩn.

+ Khi các sẩn có trùm mụn mủ ở trên gọi là sẩn mủ.

+ Khi vị trí ổ nhiễm trùng nằm sâu hơn sẽ hình thành các tổn thương cục và nang. Các nang chính là các tổn thương cục hoá mủ.

+ Cục, nang đứng thành cụm 2 – 3 cái, thương tổn viêm nhiễm nhiều hơn tạo thành ổ áp xe có xoang thông với nhau. Các xoang và ổ áp xe thường chứa dịch mủ lẫn máu.

+ Tổn thương thuyên giảm có thể để lại dát đỏ, dát thâm. Sau vài tháng, nếu tổn thương viêm nhiễm nhiều sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, có thể là sẹo teo bằng chấm đến vết lõm sâu, có thể là sẹo lồi, sẹo dúm do bệnh nhân thường bóp nặn làm tổ chức bị tổn thương và hoại tử.

3.2. Các thể lâm sàng trứng cá

– Trứng cá thông thường (Acne Vulgaris)

Là thể rất phổ biến ở cả hai giới đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các tổn thương khu trú đặc biệt ở vùng da mỡ như mặt (má, trán, cằm), ở vùng giữa ngực, lưng, vai. Đôi khi nhân trứng cá ở vành tai, bọc ở ống tai, màng nhĩ và đặc biệt gặp tổn thương u, cục, nang ở cổ, gáy. Tổn thương rất đa dạng: Nhân trứng cá, sẩn nang lông, sẩn mụn, mụn mủ, u viêm tấy, áp xe trung bì và hạ bì. Các thương tổn này không phải thường xuyên kết hợp với nhau và có đầy đủ trên một bệnh nhân.

– Trứng cá đỏ (Acne Rosacea)

Trứng cá đỏ thường gặp ở người da trắng từ 30 đến 50 tuổi. Đa số gặp ở nữ giới, nhất là người có cơ địa da dầu. Tổn thương trứng cá đỏ thường ở vùng giữa mặt, tiến triển qua nhiều giai đoạn. Trên nền da đỏ xuất hiện từng đợt sẩn mủ, đôi khi nổi cộm giống như u hạt. Sau nhiều đợt tiến triển, nhất là ở nam giới thường có phản ứng phì đại, xơ hóa ở vùng mũi tạo thành mũi sư tử. ổ nhiễm khuẩn cũng đã được đề cập đến, đặc biệt là vai trò của Propionibacterium acnes và Demodex folliculorum.

– Trứng cá mạch lươn (Acne congobata)

Bệnh gặp chủ yếu ở đàn ông, bắt đầu sau tuổi dậy thì và tiếp tục kéo dài hơn trong những năm về sau. Thương tổn thường ở ngực, mặt, lưng, vai và cổ. Ngoài ra còn thấy ở mông và tầng sinh môn. Tổn thương bắt đầu bằng mụn ở nang lông, tiến triển to dần và loét rất đặc biệt. Các ổ mủ nông và sâu, có khi rất to, cục viêm thành cụm 2 – 3 cái, đi vằn vèo thành hang hốc với nhiều lỗ dò, nhiều cầu da, nhiều đảo xơ. Bệnh tiến triển lâu dài, dai dẳng khó chữa

Trứng cá sẹo lồi (Acne keloidalis)

Loại trứng cá này chủ yếu gặp ở đàn ông, khu trú ở gáy và vùng rìa tóc. Đầu tiên xuất hiện các thương tổn viêm nang ở gáy, sắp xếp thành đường thẳng hoặc vằn vèo. Dần dần thương tổn tiến triển thành nhiều củ xơ hoặc dải xơ phì đại, gờ lên mặt da trông giống như sẹo lồi, trên bề mặt có một vài mụn riêng rẽ. Tiến triển lâu dài cuối cùng tự xẹp thành sẹo phẳng và trụi tóc vĩnh viễn.

Trứng cá kê hoại tử (Acne miliaris necrotica)

Bệnh thường gặp ở nam giới, thương tổn khu trú một cách đối xứng ở trán, ở thái dương, rìa tóc. Hoại tử là đặc điểm của loại trứng cá này và nguyên nhân có thể do sự mẫn cảm của người bệnh đối với vi khuẩn. Đầu tiên là sẩn nang lông màu hồng, thường có ngứa và nhanh chóng biến thành mụn mủ mầu ngả nâu, bám rất chắc, xung quanh có một bờ viêm tấy mầu hồng, dưới vẩy là một ổ loét nhỏ, sau để lại sẹo lõm tồn tại vĩnh viễn.

– Trứng cá sét đánh (Acne fulminans)

Là thể hiếm gặp của trứng cá nang nặng, xuất hiện đột ngột ở bệnh nhân nam tuổi thanh thiếu niên. Tổn thương là các cục lan rộng, nhanh, nặng. Sau biến thành từng mảng viêm nặng, hoá mủ, nhanh chóng để lại vết loét không gọn. Vị trí chủ yếu ở lưng, ngực, nếu ở mặt thường là nhẹ hơn. Thể này cần có phương pháp điều trị đặc biệt.

– Trứng cá do thuốc (Acne Itrogenic)

Nhiều loại thuốc có thể gây nên thương tổn dạng trứng cá, khó có thể phân biệt với trứng cá thực sự. Tìm được nguyên nhân do thuốc rất khó, tuy nhiên có thể dựa vào đặc điểm lâm sàng, điều kiện xuất hiện và tiến triển của bệnh để nghĩ đến trứng cá do thuốc. Các loại thuốc và hoá chất có thể gây trứng cá như: Các hormon Androgen, ACTH, Testosterone, Progesterone… các Halogen như muối Iode, Brome, các thuốc chống lao, thuốc chống động kinh, thuốc hướng thần, thuốc chống phân bào, Corticosteroid…

– Trứng cá nghề nghiệp (Occupational Acne)

Nhiều loại dầu hắc ín có thể gây thương tổn dạng trứng cá. Thương tổn loại này gần giống như trứng cá thường: nhân, sẩn, mụn mủ và nang. Dấu hiệu phân biệt của trứng cá nghề nghiệp là vị trí phát tổn thương, tuổi bệnh nhân và tiền sử có tiếp xúc với hoá chất.

Bệnh thường gặp ở những công nhân, thợ sửa chữa máy do tiếp xúc với dầu thô, sáp và các loại carbure hydro no hoặc không no. Tổn thương thường tương ứng với vị trí tiếp xúc của da và thấy ở cánh tay, đùi, thân mình, đặc biệt ở những công nhân quần áo bị ngấm dầu mỡ, vì vậy gọi là trứng cá hạt dầu.

– Trứng cá trước tuổi thành niên (Preadolescent acne)

Thể này được phân làm 3 loại đó là:

+ Trứng cá sơ sinh (Neonatal acne): Xuất hiện trong 4 tuần đầu của thời kỳ sơ sinh và trẻ trai hay bị hơn trẻ gái. Tổn thương có thể tồn tại vài tuần, bệnh tự khỏi không để lại vết tích gì.

+ Trứng cá trẻ em hay trứng cá tuổi ấu thơ (Infantile acne): Xuất hiện từ tháng thứ 2 và có thể là do trứng cá sơ sinh tồn tại dai dẳng. Loại trứng cá này có thể kéo dài thành trứng cá tuổi thiếu niên hoặc thành trứng cá tuổi thành niên.

+ Trứng cá tuổi thiếu niên (Childhood acne): Nguyên nhân từ trứng cá trẻ em tồn tại dai dẳng. Yếu tố gia đình có vai trò quan trọng.

– Trứng cá mũi sư tử (Rhinophyma)

Do tuyến bã hai bên mũi bài tiết rất nhiều, kèm theo thói quen nặn trứng cá của bệnh nhân làm cho tổ chức tuyến bã bị phì đại, quá sản thành u, lỗ chân lông giãn rộng làm cho mũi bị biến dạng.

Các thương tổn dạng trứng cá: Viêm nang lông do Demodex

Là bệnh gây nên bởi một loại côn trùng chân khớp ký sinh ở nang lông tuyến bã người và súc vật. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt với các triệu chứng không đặc hiệu như ngứa, rát, buồn như có con gì bò trên da, đỏ da bong vẩy hoặc giống viêm da dầu, viêm da quanh miệng và trứng cá. Bệnh được chia làm 3 nhóm chính:

– Viêm nang lông vẩy phấn.

– Dạng giống trứng cá đỏ.

– Viêm da do Demodex dạng trứng cá đỏ thể u hạt.

– Các thể lâm sàng khác

Ngoài những thể lâm sàng thường gặp ở trên, người ta còn nêu lên một số thể khác, mỗi loại đều có nét đặc thù riêng của nó.

  • Trứng cá do mỹ phẩm (Acne cosmetica): Bệnh thường gặp ở phụ nữ sử dụng nhiều kem xoa mặt, kem chống nắng.
  • Trứng cá trầy xước (Excoriated Acne): Loại này thường gặp ở những cô gái trẻ do bệnh nhân có yếu tố tâm lý hay nặn bóp, cào xước thương tổn kết quả để lại là các vết thâm, sẹo teo da.
  • Trứng cá do yếu tố cơ học (Acne Mechanica): Do trà xát, nặn bóp làm cho bệnh nặng hơn.
  • Trứng cá vùng nhiệt đới (Tropical Acne): Bệnh xuất hiện ở những vùng nhiệt đới vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm.
  • Trứng cá mùa hè (Acne Aestivalis)
  • Trứng cá do chất tẩy rửa (Acne Detergicans)
  • Trứng cá trước chu kỳ kinh nguyệt: Tổn thương là những sẩn mủ, thường từ 5 đến 10 thương tổn, xuất hiện trước khi có kinh 1 tuần. Thường là do ảnh hưởng của LH ở đỉnh cao kích thích tổ chức đệm của buồng trứng tiết Androgen. Dùng viên tránh thai có Estrogen sẽ làm giảm bớt trứng cá loại này…

4. Điều trị bệnh trứng cá

Do trứng cá là bệnh có nguyên nhân phức tạp nên việc điều trị phải được tính đến nhiều yếu tố , đó là:

  • Kiểu trứng cá: Trứng cá đơn thuần, trứng cá viêm nhiễm hay trứng cá phối hợp. Sự phân loại đúng sẽ dẫn tới việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
  • Mức độ trầm trọng của bệnh sẽ hướng tới có nên chỉ định điều trị toàn thân hay không.
  • Xem xét tìm hiểu các yếu tố khác mà bệnh nhân có liên quan tới như: Thuốc đã dùng, môi trường làm việc…

Bệnh nhân cần được giải thích một cách rõ ràng về bệnh tật để họ sử dụng thuốc một cách phù hợp, không tự ngừng điều trị, không tự làm cho thương tổn nặng thêm như nặn, bóp trứng cá… Cần phải cho bệnh nhân biết rằng trứng cá không phải là bệnh thoáng qua, không thể chữa khỏi trong vòng vài tuần mà kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm sau tuổi trưởng thành. Sau khi điều trị ổn định bệnh nhân cần phải điều trị duy trì với một phương thức nhất định.

Mục đích của điều trị trứng cá là nhằm giải quyết những vấn đề sau:

  • Giảm tiết chất bã.
  • Giảm ứ đọng chất bã.
  • Giảm sừng hoá
  • Chống viêm và diệt khuản

Việc sửa chữa sẹo chỉ tiến hành khi bệnh trứng cá đã ổn định.

* Các thuốc sử dụng trong điều trị trứng cá:

– Thuốc làm giảm da dầu:

+ Thuốc bôi tại chỗ: Thuốc kháng Androgen về mặt lý thuyết có tác dụng nhất định nhưng thực tế điều trị ít có kết quả. Do vậy, thuốc đó chỉ được coi là thuốc phụ, ít người dùng.

+ Điều trị bằng hormon toàn thân: Ostrogen, acetate de cyproteron, Spironolactone.

+ Isotrétinoine: Có tác dụng làm teo tuyến bã, do đó là thuốc được lựa chọn điều trị vững bền hơn so với các thuốc khác. Nhưng giá thành cao, phải dùng lâu dài và đề phòng tai biến.

– Ngăn chặn sự căng ứ chất bã (chống sừng hoá cổ tuyến bã):

+ Vitamin A acid (Trétinoine) tại chỗ.

+ Isotrétinoine.

+ Peroxyde de benzoyle .

+ Adapalene: Là dẫn xuất của Acid naphthoic, có tác dụng giống Trétinoine nhưng ít tác dụng phụ hơn. Sử dụng dưới dạng gel 0.1% bôi tại chỗ.

– Thuốc hạn chế viêm:

+ Peroxyde de benzoyle.

+ Tiêm Corticoid vào trong nang.

+ Điều trị lạnh đối với tổn thương dạng cục nang.

– Chống nhiễm trùng:

+ Kháng sinh tại chỗ: Erythromycine, Clindamycine.

+ Kháng sinh uống : Tetracycline, Erythromycine…

5. Một số hậu quả của tổn thương trứng cá .

– Sẹo phẳng: Là những vết đỏ bằng phẳng với mặt da, ranh giới không rõ những vết này sẽ nhạt màu dần và mất sau 4 đến 6 tháng. Nhưng cũng có thể trở thành sẹo thâm, tổn thương này không ngứa, không đau.

– Sẹo lõm: Trong quá trình viêm ở da do bệnh trứng cá gây nên, cấu trúc collagen nằm dư­ới lớp hạ bì bị phá vỡ. Sự thiếu hụt collagen và fibrin ở các mô làm cho tổn th­ương viêm bị lõm xuống tạo thành sẹo lõm. Có 3 loại tổn thương:

– Sẹo hình phễu, sẹo hình lòng chảo và sẹo đáy phẳng.

– Sẹo quá phát: Là sự tăng sinh collagen lành tính, nhưng đôi khi có đau hoặc ngứa, thường là do sự đáp ứng quá thừa của mô với tổn thương.

– Giãn xung quanh nang lông.

Ths.BS. Lê Đức Minh – Phó TK Điều trị tổng hợp

(Bệnh viện da liễu Hà Nội)

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *