BI KỊCH KHÁNG KHÁNG SINH VÌ DÙNG THUỐC … TÙY THÍCH

Kháng kháng sinh khiến 700.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm, chi phí điều trị tăng hàng chục lần. Trong khi đó, kháng sinh lại đang được sử dụng “tùy thích” trong điều trị bệnh tật càng làm tăng nguy cơ vô hiệu hóa “vũ khí” tối tân nhất của loài người trong điều trị bệnh tật.

Dễ tử vong vì kháng kháng sinh

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Có em mới chỉ 2-3 tuổi, bị viêm phổi nhưng đã “làm khó” các bác sĩ khi phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2, 3 (loại mạnh) mới khỏi. Đã có trường hợp bệnh nhi 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi tử thần.

Các trường hợp này đều có “kịch bản” khá giống nhau: Thấy con sốt cao, bố mẹ nghĩ con bị viêm phế quản, tự ý mua kháng sinh về cho con uống. Những lần ốm trước, họ đều tự điều trị cho con bằng cách đó, nhưng lần này uống thuốc mãi không đỡ. Theo lời gợi ý của người bán thuốc, họ cũng đổi qua vài loại kháng sinh nghe nói “tốt hơn, thế hệ cao hơn”, đồng thời cũng đắt tiền hơn. Chỉ đến khi con sốt cao mệt lả mới đưa đến bệnh viện, xét nghiệm thì đã kháng kháng sinh nghiêm trọng.

“Có em nhập viện chỉ viêm đường hô hấp nhưng do kháng kháng sinh nên điều trị mãi không khỏi, đã chuyển sang viêm phổi cấp. Với những ca này các bác sĩ đều rất vất vả để giành giật sự sống từ tay thần chết. Các bác sĩ phải thay đổi phác đồ điều trị, dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, liều cao hơn. Nhưng cũng có lúc chúng tôi trở tay không kịp, vì đã mất đi “thời gian vàng” để trị bệnh” – TS Dũng cho biết.

Theo TS Dũng, việc tùy tiện mua thuốc kháng sinh để điều trị của cha mẹ đã đẩy nhiều trẻ vào tình trạng nguy hiểm. Không chỉ thế, chi phí điều trị cũng đội lên hàng chục lần. Có loại kháng sinh lên đến 7-8 triệu đồng/lọ, dùng kết hợp nhiều loại kháng sinh đắt tiền và phải dùng nhiều lần, nhiều ngày. Trong khi nếu không kháng kháng sinh, người bệnh chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng, thậm chí không mất tiền với những trẻ dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế chi trả.

Cùng nỗi niềm này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) đã điều trị cho nhiều bệnh nhân kháng kháng sinh thế hệ cao, với những chi phí đội lên hàng chục lần, thậm chí phải “chịu chết” vì kháng kháng sinh trên nền cơ thể suy yếu.

Gần đây có bệnh nhân (Hà Nam) mới ngoài 20 tuổi nhập viện do bị uốn ván. Bệnh nhân không “tiếp thu” kháng sinh thông thường nên các bác sĩ phải dùng kháng sinh liều cao, thế hệ mới. Rất may bệnh nhân đã qua khỏi nhưng gia đình nghèo nên phải bán cả đất mới đủ chi trả viện phí.

“Một ca điều trị uốn ván thông thường chỉ tốn khoảng 12-15 triệu đồng nhưng nếu kháng kháng sinh thì chi phí lên đến 60-80 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu. Còn đối với các bệnh biến chứng thành nhiễm trùng máu mà chi phí thường hàng trăm triệu thì kháng kháng sinh có thể mất tiền tỷ mà chưa chắc đã cứu được mạng” – bác sĩ Cấp cho biết.

Bác sĩ Dương Đức Hùng – Trưởng Khoa phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch quốc gia) cho biết, kháng sinh vốn coi là phát minh có giá trị nhất, “vũ khí” tối tân nhất của con người trong điều trị bệnh. Nhưng nay kháng sinh dường như đang quay lại “phản bội” loài người. Vì khi việc sử dụng kháng sinh bị “đơn giản hóa” như cơm ăn, nước uống, sử dụng tùy tiện thì vi khuẩn sẽ nhờn thuốc, kháng thuốc. Và vì kháng thuốc, vi khuẩn khó bị tiêu diệt, bệnh tật sẽ nặng hơn, chi phí tốn kém hơn…

Lo ngại vi khuẩn “siêu kháng kháng sinh”

Theo bác sĩ Cấp, các loại kháng sinh thế hệ cũ, ra đời vài chục năm đương nhiên sẽ có nhiều vi khuẩn kháng lại. Nhưng đáng lo ngại khi không ít kháng sinh vừa ra đời đã trở nên “vô dụng” với nhiều loại vi khuẩn. “Nghiêm trọng nhất là các bệnh nhân bị nhiễm trùng bệnh viện khi bị nhiễm các loại vi khuẩn trong môi trường bệnh viện. Các vi khuẩn này đã vượt qua nhiều “tường lửa” kháng sinh và sống sót, do đó, chúng rất khỏe mạnh và có khả năng “siêu kháng thuốc”. Lúc đó sẽ phải dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, liều lượng nhiều hơn, phối hợp nhiều kháng sinh” – bác sĩ Cấp cho biết.

Theo TS Vũ Quốc Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đã ở mức báo động. Số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng thuốc ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem- nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%.

Nguyên nhân kháng kháng sinh, theo TS Trung là do người dân sử dụng kháng sinh tùy tiện, bừa bãi, quá liều, bỏ liều hoặc bệnh không cần dùng kháng sinh (cảm cúm) cũng dùng; việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong nuôi trồng khiến vật nuôi, rau củ đều có dư lượng thuốc kháng sinh; ô nhiễm đất, nước do các chất thải có dư lượng kháng sinh như phân bón, chất thải dược phẩm… Khi vi khuẩn trở nên “siêu khỏe” mà nhiễm vào con người thì có thể trẻ em vừa ra đời cũng có thể trở nên “siêu kháng thuốc”. Khi đó, ngay cả bệnh nhẹ cũng không tìm được kháng sinh để điều trị.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một phụ nữ ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) đã được phát hiện dương tính với một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh, thậm chí cả những loại thuốc cuối cùng, mạnh nhất mà loài người đang có. Các ca bệnh này sau đó đã xuất hiện cả ở Trung Quốc, Canada và một số nước châu Âu. Các nhà khoa học cũng đã lo ngại các loại vi khuẩn kháng kháng sinh có thể “trao đổi gen” và trở nên “bất khả xâm phạm”. Còn “vũ khí” kháng sinh lại đang ngày càng trở nên lạc hậu và các phát minh thuốc thế hệ mới cũng khó lòng theo kịp với sự “tiến hóa” của vi khuẩn kháng thuốc.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề kháng kháng sinh ở Việt Nam cũng đang ngày càng nghiêm trọng. WHO đã liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

(Theo Dantri.com.vn)

Đánh giá bài viết :

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *